Đó là yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại hội nghị Thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào VN do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng qua 21.12.
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại các mốc thời gian quan trọng kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế sau đại dịch. Trong đó, sau nhiều cuộc họp, ngày 15.3, Việt Nam tuyên bố với cả thế giới chính thức mở cửa du lịch.
Khẳng định quyết định mở cửa sớm là đúng đắn, song, Thủ tướng trăn trở: “Vì sao chiến dịch vắc xin Việt Nam “đi sau về trước” nhưng du lịch lại “đi trước về sau?”. Vì sao du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng, vượt cao điểm 2019 nhưng du lịch quốc tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn? Nguyên nhân do cơ chế hay cách làm, do thể chế hay cách thức thực hiện? Chúng ta có quyết tâm phát triển, đột phá du lịch trong năm 2023 hay không?”.
Hụt hơi trong cuộc cạnh tranh điểm đến
Lý giải những vấn đề mà Thủ tướng đặt ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết ngoài những nguyên nhân khách quan về thị trường nguồn khu vực Đông Bắc Á chưa thực sự mở cửa, một số thị trường châu Âu, Nga bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine…, một trong những nguyên nhân chủ quan tác động mạnh nhất tới kết quả không đạt chỉ tiêu đón 5 triệu khách của ngành du lịch trong năm qua là chính sách visa kém cạnh tranh.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực, nhiều nước có cách làm mở với chính sách thông thoáng. Đơn cử, Singapore, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia và vùng lãnh thổ; con số này ở Philippines là 157, Thái Lan là 67, trong khi Việt Nam chỉ dừng lại ở con số 24. Số lượng ít, thời hạn miễn thị thực cũng ngắn (chỉ 15 ngày), chưa phù hợp nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu thường đi du lịch 3 – 4 tuần.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm kiến nghị, Việt Nam vẫn chưa có chính sách mở văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài, trong khi Thái Lan có 27 văn phòng đại diện du lịch ở các quốc gia khác. Đây là mạng lưới kết nối, quảng bá quan trọng mà Việt Nam chưa làm được.
Từ góc độ hàng không, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, lại cho rằng vấn đề lớn nhất của ngành du lịch trong 2023 là cạnh tranh điểm đến mang tầm quốc gia. Dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế chỉ ra rằng thị trường vận tải hàng không toàn cầu đang đạt mức phục hồi 66% so với trước dịch, thị trường nội địa là 82%. Tuy nhiên, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mức phục hồi chỉ đạt 44%. Dự báo năm 2023, vận tải hàng không quốc tế sẽ quay về mức 80%, nội địa đạt tới mức 95% so với trước dịch với mức lãi nhỏ nhưng khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn chỉ ở mức thấp hơn 70% và tiếp tục lỗ 6,9 – 7 tỉ USD.
“Những con số này cho thấy Việt Nam nằm trong vùng trũng của sự phục hồi ngành hàng không. Hàng không gắn chặt với du lịch và đây là thách thức rất lớn. Các nước trong khu vực sẽ có các chính sách mạnh mẽ để thu hút và phát động thị trường khách. Điều này tạo nên sự cạnh tranh rất lớn về điểm đến mang tầm quốc gia”, ông Lê Hồng Hà khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
Cũng theo ông Lê Hồng Hà, thời gian qua, Vietnam Airlines đã thực hiện khôi phục toàn bộ các thị trường quốc tế với tần suất khai thác dần trở lại với mức 2019. Doanh nghiệp (DN) sẵn sàng phục vụ kết nối hàng không cho sự trở lại của thị trường du lịch. Đồng thời cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, những hoạt động này còn mang tính đơn lẻ, chưa đủ sức cạnh tranh lôi kéo khách, đặc biệt khi đặt cạnh các chương trình cạnh tranh rất “khủng” của các nước xung quanh.